Nguyệt San Số 24


Mùa Gặt Lúa

Tác giả: Jimmy Điêu
Thể loại: Quê hương

 “Ầu ơ….. ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi
Yêu em, anh chẳng nói gì ...
Để em sống phận nô tỳ hẩm hiu ……”
     Sáng Chủ Nhật ngày hôm đó Bình cùng tôi thức dậy sớm để đi vào ruộng muối phụ cậu Năm của hắn trong mùa gặt lúa năm nay.  Tụi tôi vừa ở trên Sài Gòn mới xuống tới Vĩnh Mỹ chiều ngày hôm qua thôi.  Mang theo mấy bộ phận phụ tùng của máy cày mà cậu Cả đã nhờ chúng tôi đi mua giùm trước đây rồi ngủ lại qua đêm.  Thằng Bảy Lùn, con cậu Cả, nhỏ hơn tôi một vài tuổi gì đó, ra gật đầu chào rồi trốn đi mất biệt luôn cả đêm.  Tôi nghĩ chắc là nó lại đi hú ha, hú hí với cô Út Hiền ở ngoài ruộng muối nữa rồi.  Không hiểu là nó còn giận tôi nữa hay không.  Bị vì sau cái đêm mà tôi với thằng Chiến, người em chú bác của nó bắt quả tang lúc họ đang làm tình ở ngoài cái chòi vịt thì nó có vẻ hận tụi tôi lắm.  Chuyện đó tôi vẫn còn để trong lòng chưa hề thố lộ với ai cả ngoại trừ Bình.
     Phía ngoài cánh đồng ruộng bao la chạy dài từ Vĩnh Mỹ ra tới ruộng muối hiện đã chuyển thành một màu vàng hoe.  Màu vàng của lúa thóc vừa tới hồi gặt, một màu đặc biệt mà chỉ có thiên nhiên mới tạo ra được.  Mấy cái bờ đê nhỏ ngăn chia mấy công ruộng hiện giờ không còn lối để mà đi nữa chỉ vì mấy cọng lúa hai bên ven lề chiếm hết cả.  Những cọng lúa này bị kéo cong vòng xuống bởi những chùm hạt thóc no tròn và nặng trĩu.  Tôi thầm nghĩ chắc có lẽ mấy người nông dân ở đây đang vui mừng lắm vì năm nay đã được trúng mùa lúa rồi.  Mỗi khi có cơn gió tạc ngang đưa mùi thơm dìu dịu của lúa, mùi hương tràn đầy sự sống đã cho tôi say ngất ngây.  Quả đúng là hương đồng cỏ nội chẳng khác.
     Khi đi ngang qua một cái công đất mới vừa gặt xong, tôi thấy có mấy chú chuột đồng đang bén mảng ra tới giữa, nhai ngấu nghiến những hạt thóc còn xót lại trên mặt đất.  Khi nghe tiếng chân của chúng tôi đi đến gần, chúng nó tuôn chạy thật lẹ vào những cái hang nhỏ nằm dọc theo mấy bờ đê để trốn.  Có nhiều con vừa chui vào trong hang xong lại ló đầu ra để xem xét động tịnh.  Chắc có lẽ chúng nó đang tiếc rẻ vì món ăn ngon đang còn nằm chình ình ở phía bên ngoài.  Nhìn dáng điệu ú na ú nần của chúng tôi đoán chừng là chúng đã có dịp đớp hả hê trong mùa lúa chín.
     Khi ra gần tới ruộng của cậu Năm thì mặt trời cũng vừa lên cao.  Ánh nắng bắt đầu chang chang nhưng chưa nóng cháy cho lắm.  Nhìn phía bên hông chòi vịt thì tôi thấy cô út Hiền, Phượng, thằng Chiến cùng một vài người đàn bà trong xóm đang dựng hai cái nông để đập lúa bằng tre cao hơn khỏi đầu người, chuẩn bị cho ngày thu hoạch sắp tới đây.  Còn cậu mợ Năm đang đứng trước cửa chòi nói chuyện gì đó với cậu Hai, xong rồi cười hằng hặc dường như là thú vị lắm.  Khi nhìn thấy tôi và Bình, Phượng mừng rỡ reo lên:
“Hia Hà với hia Bình mới xuống tới hả?”
“Ừa, tụi anh mới vừa xuống tới!” Tôi trả lời.
     Thằng Chiến nó cũng mừng rỡ khi thấy tôi, chỉ riêng Út Hiền thì cuối mặt xuống làm việc như thường lệ, không ngẩn lên nhìn nhưng tôi thấy ánh mắt của nàng thì hơi ươn ưỡn đỏ.  Hình như là nàng đang có chuyện buồn ghê lắm.  Hừm chuyện gì đây, tôi sẽ cố gắng nhớ để hỏi thằng Chiến tối nay.  Sau khi đến chào cậu mợ Năm thì thấy cậu có vẻ hớn hở vô cùng, ông cười rồi nói:
“Mấy thằng Sài Gòn tụi bây vậy mà làm việc cũng được lắm đó nhen bây.”
Nói xong cậu chỉ tay về hướng ruộng rồi khoe với cậu Cả:
“Hia biết hông?  Cái thằng Hà này nè lúc nó cấy cái công ruộng ngoài đó tui tưởng là bị đi đứt rồi đó chứ.  Cấy mạ gì mà để mạ trôi còn hơn là lục bình trôi nữa.  May phước mà con Phượng nhà mình chỉ cho nó làm lại, bây giờ thì cái công đất của nó lại trổ nhiều nhứt đó hia.  Tui sẽ để lại làm lúa giống năm nay đó.”
     Cậu Cả nhìn về tôi với ánh mắt thân thiện, hài lòng ghê lắm,  ông đưa tay lên rồi vỗ nhè nhẹ lên vai tôi.  Lúc đó Phượng cười lên tiếng chọc cậu Năm:
“Ủa, mới mấy tháng trước con nghe ba nói mấy ảnh chỉ là dân Sài Gòn chỉ biết đi cua gái là giỏi thôi mà, sau bây giờ ba khen ảnh dử vậy ta.”
“Thì lúc đó ba giận ba nói chơi vậy thôi con.  Đứa nào làm được thì ba khen, còn làm trật thì ba phải nói chứ.”  Cậu Năm biện luận, “Thôi dọn cơm cho bác Hai với mấy hia của con ăn đi rồi chuẩn bị đi cắt lúa.  Cái công lúa của thằng Hà cuối tuần rồi mới cắt, tao để làm lúa giống đó nhen!”
     Thiệt hay không bằng hên.  Tôi chợt nghĩ tới mấy tháng trước đó, hình như là vài tuần gì đó sau khi cấy mạ xong.  Cậu Năm cùng với chúng tôi mỗi người vác một bao phân hóa học khoảng năm chục kí lô để ra rải ngoài ruộng.  Buổi sáng hôm đó cơn mưa phùn mới vừa dứt hột xong cho nên mấy bờ đê rất là trơn trợt.  Đường đi thì xa mà mấy bao phân lại càng nặng, nhưng cậu Năm và thằng Chiến thì khiêng đi te te phía trước tới chổ đợi chúng tôi lúc nào chẳng hay.  Còn tôi với Bình, dân Sài Gòn chỉ biết đi cua gái là giỏi thôi, phải còng lưng ra vác mấy cái bao phân mắc dịch, nặng gần chết, nhưng cuối cùng cũng mon men ra được tới ngoài ruộng.  Khi đến gần công ruộng của tôi đã cấy, Bình tự nhiên đứng khựng lại, làm tôi bị trượt chân té lăn đùn xuống đám lúa non đầy nước.  Bao phân được làm bằng vải bố cũng bị rớt xuống nước cho nên bị ướt nhẹp hết.  Cậu Năm đứng chờ tụi tôi phía bên kia bờ ruộng thấy vậy la lớn:
“Bình tĩnh mầy Hà, bình tĩnh nhen con!”
    Thằng Chiến vội chạy nhào xuống ruộng, tới kéo tay tôi đứng lên rồi phụ khiêng bao phân bỏ lên vai của tôi.  Nước từ bao phân rỉ xuống trộn lẫn với chất phân hóa học ngửi giống hệt mùi nước tiểu, hôi tanh nồng nặc.  Khi chất nước dính vào cơ thể của tôi làm rích chịch thật là khó chịu. Cậu Năm bảo tôi cẩn thận đi vòng vòng trong công ruộng để cho nước rỉ hết xong rồi mới đi lên bờ.  Theo lời cậu Năm cho biết thì một bao phân có thể bón cho hơn mười công ruộng.  Nhưng mà bao phân của tôi giờ đây đã hòa với nước và đã rỉ ra mất đi hơn một phần năm với số lượng của bao rồi.  Nhưng may mắn thay số phân này sau khi rỉ ra lại hòa với nước chỉ nằm trọn trong công đất này mà thôi.  Lúc đó thằng Chiến đang lui cui khom người xuống sửa lại mấy bụi lúa mới trổ hơn hai gang tay vừa bị tôi đè dập xuống.  Cậu Năm chỉ cười và lắc đầu rồi lẩm bẩm:
“Tụi bây hổng làm được cái con mẹ gì hết đó.  Đem phân ra đồng mà để bị ướt thì hổng còn quần áo mà bận đó nhen mấy con.  Cái thân to còn hơn con voi mà lại thua thằng Chiến con của tao nữa.”
      Sau đó cậu Năm cùng chúng tôi đem phân đi rải đều ở những mẫu ruộng khác ngoại trừ phần đất của tôi. 
     Trở lại với thực tại, giờ đây tôi mới hiểu tại vì bao phân bị rớt xuống ruộng trước đây đã rỉ ra số lượng bón nhiều hơn ở những nơi khác cho nên những hạt thóc nở no tròn và trổ nhiều hơn.  Nghe cậu Năm và Phượng tỏ lời khen làm lỗ mũi nở phình hơn lúc bình thường một tí.  Ây da, cái vụ này tôi chỉ biết mỉm cười chứ không nói gì hơn. Trong thâm tâm của tôi lúc bấy giờ rất lấy làm vui thú ghê lắm, nhưng không phải là cái vui vì được người khác khen thưởng, mà là cái tự đắc khi mà hai bàn tay của chính mình đã làm thành công được một sự việc gì đó. 
     Sau khi ăn cơm xong, Phượng đưa hai cái áo bà ba cũ của cậu Năm để cho chúng tôi mặc đi cắt lúa cùng với hai cây dao lưỡi liềm vừa mới được thằng Chiến mài bén xong.  Phượng đi cùng tôi vào trong công ruộng rồi chỉ cho tôi cách cắt lúa.  Nàng rùn người sang một bên phải, choàng cả cánh tay trái và nhẹ nhàng ôm trọn cả bó lúa vào người rồi nói:
“Anh phải ôm gọn như vậy nè, nhưng mà đừng có chặt lắm và cẩn thận đừng cho mấy cọng thóc bị gẫy.  Sau đó anh cắt sát gần tới dưới gốc.”
“Phần dưới gốc này nó cứng lắm, tại sao mình không cắt ở giữa cho dể hơn mà lại cắt ở tuốt phía dưới chi cho nó mệt vậy em?”  Tôi hỏi.
Phượng cười rồi nhỏ nhẹ hỏi ngược lại:
“Nếu như cắt phía trên đây thì cụt ngẵng hà, làm sao mà anh có thế để cầm mà đi đập lúa được?” rồi nàng từ từ giải thích: “Sau khi cắt đám lúa này xong thì phải đem về chòi vịt và đập lúa vào trong cái nông để cho hạt thóc nó rớt ra.  Một bó lúa phải đập hơn mười lần thóc mới rớt ra hết.”
     Nói xong Phượng bắt tôi làm thử vài ba lần cho tới khi nhuần tay thi nàng mới chịu bỏ đi làm việc riêng.  Lúc đó tôi tôi nhủ, ây da sao mà nghề nông nhiều chuyện làm quá như vậy chứ?  Chẳng khác như khi xưa khi tôi nghe qua bài hát: “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cây lúa” rồi tưởng chừng cuộc đời sao mà dể dàng và bình dị quá như vậy.  Còn bây giờ tôi lại thấy nó khác hẳn, nào là đi ra đồng cày bừa từ sáng sớm cho đến tối, nào là đi cấy mạ, nào là rải phân. Khi nước ít phải đi tát nước vào, nước nhiều quá phải tát ra, rồi tới phiên cắt lúa, rồi nào là đập lúa rồi cuối cùng mới đi xay ra thành những hạt gạo nhỏ để cung cấp cho toàn dân trong nước.  Cả một chu kỳ như vậy tốn hơn ba bốn tháng trời dài đăng đẳng.  Giờ đây tôi mới bái phục sự cực khổ, kiên trì và tính nhẫn nại của những người nông dân miền đồng quê này.
     Nhìn xa xa về hướng ruộng của cậu Cả, tôi thấy có chừng vài chục người đang đổ sô cắt lúa trông thật là vui nhộn làm sao đó.  Năm nay vì lúa được mùa cho nên ai ai cũng vui mừng, từ chủ điền cho tới người làm mướn.  Tôi rất là vui mừng giùm cho họ, nhưng tôi tự hỏi nếu họ được mùa thì mới có ngày cắt lúa hôm nay, nhưng giả sử trường hợp thất mùa thì họ sẽ phải sống ra sao?  Tôi nghĩ mãi mà cũng chưa tìm ra được câu trả lời này.
     Sau khi cắt hơn một phần tư của công lúa thì tôi đã mệt hộc xì dầu.  Ở phía hai bên công đất khác, Phượng và cô Út Hiền đang tranh tài thi công với nhau, một kẻ tám lượng, một người thì nửa cân.  Cả hai cô gái được trời cho có nét mặt duyên dáng, mặn mà cùng với cái eo thon nhỏ xíu và thân hình mảnh khảnh mà lại quá siêng năng, cần mẫn.  Họ lượn qua rồi lượn lại và mới chớp nhoáng đây mà mỗi người đã cắt gần xong một công đất rồi.  Tôi thán phục cả hai cô ấy vô cùng.  Trong lúc đó thì thằng Chiến và cậu Năm kéo chiếc xuồng nhỏ đi trên con mương nước, dọc theo bờ đê để thu gọn những cọng lúa đã cắt đem về chòi vịt cho mợ Năm và má của Út Hiền để đập.  Còn cậu Cả đã trở về khu ruộng của ông từ lâu rồi. 
     Sau khi ăn cơm chiều xong mọi người quây quần chung quanh phòng khách trong bầu không khí thật là êm đềm, ấm cúng.  Cậu mợ Năm và bà Nội ngồi trên bộ đi văng vui mừng vì số thóc thu hoạch trong ngày nhiều hơn dự tính, rồi họ bàn luận những chuyện cần thiết cho ngày sắp tới.  Thằng Chiến cùng với mấy đứa em và những thằng bạn của nó vui vì có tôi ở đó kể chuyện ma cho tụi nó nghe, nhất là chuyện con ma cà rồng thật là rùng rợn mà tôi đã hứa.  Riêng Phượng thì tôi thấy có vẻ đắc ý, nét mặt của cô tươi rói và vui lắm nhưng tôi không hiểu là vì sao.  Buổi tối hôm đó Phượng đãi chúng tôi món cớm dẹp ăn thật là ngon miệng mà cô vừa mới làm xong.  Khi chuyện ma bắt đầu kể thì Phượng ngồi xuống sát bên tôi.
     Sau hơn hai tuần lúa mới được gặt hết.  Cánh đồng phì nhiêu hôm trước bây giờ giống như là một bãi chiến trường không hơn không kém và không thấy bóng dáng của ai đi ngang đây hết.  Nhiều gia đình trong xã bắt đầu tổ chức tiệc tùng ăn mừng cho mùa lúa thuận hòa năm nay.
     Tiền công của Út Hiền và mẹ của cô ta được cậu Năm trả bằng vài chục vạ thóc.  Theo tôi nghĩ số lượng này thật là ít ỏi so với công sức của hai người đã bỏ ra, nhưng đối với họ thì khác hẳn.  Cả hai mẹ con đều vui mừng vì biết rằng với số lượng thóc như thế sẽ nuôi cả gia đình được vài tháng nữa.  Riêng cô Út Hiền thì tôi cảm thấy dường như có một niềm u ẩn gì đó, chỉ vì thần sắc của nàng khác hẳn khi xưa rất nhiều.  Gò má của nàng hóp vào một chút và đôi mắt dường như là bị sưng lên vì khóc thường xuyên.       
     Mặc dù tôi chưa có cơ hội để hỏi thằng Chiến về chuyện của cô Út Hiền và thằng Bảy Lùn nhưng câu trả đến với tôi mấy ngày sau đó khi cậu Cả cho mời cậu mợ Năm, Bình và tôi ra nhà của cậu để dự tiệc.  Trong bữa tiệc cậu Cả tuyên bố là thằng Bảy Lùn sẽ đi cưới vợ, một cô gái ngoài thị xã Bạc Liêu.  Ông ta cũng nhờ Bình và tôi cuối tuần đi theo tháp tùng với chú rể.  Ủa sao kỳ vậy nè, tôi tự hỏi?  Tại sao thằng Bảy Lùn nó thương cô Út Hiền lắm, mà tại sao không cho họ thành thân với nhau?  Vả lại cô Út Hiền cũng hiền lành và đảm đang ghê lắm.  Hay là tại thằng Bảy hết thương cô ta rồi?  Thảo nào ánh mắt của cô gần đây lúc nào cũng buồn cả.  Giờ đây tôi mới hiểu là tại vì duyên tình trắc trở và tôi cảm thấy tội nghiệp cho cô ta thật nhiều.
     Qua vài ngày sau thì thằng Chiến cho tôi biết là không phải là hai người đó không còn yêu nhau nữa mà tại vì cậu Cả muốn con mình phải lấy vợ theo ý muốn của ông ta, cha đặt đâu thì con ngồi đó.  Vả lại gia đình cô Út Hiền thì nghèo quá, không xứng với gia đình của ông.  Thằng Bảy Lùn vẫn còn thương cô ta như là mèo gặp thấy mỡ.  Không thương Út Hiền làm sao được vì cô ta thật đẹp, duyên dáng, nói năng hiền hòa nữa, còn thằng Bảy là con trai mới lớn mà và đây là mối tình đầu của nó.  Theo như lời thằng Chiến kể thì thằng Bảy ngày xưa cũng có ra ngoài thị xã Bạc Liêu học gần được tới lớp sáu lớp bảy gì đó, nhưng chán học bỏ trở về nhà đi long nhong, rốt cuộc sau đó cũng chẳng còn trường gì để mà đi học nữa.  Nó không có một nghề gì khác ngoại trừ theo phụ giúp gia đình về việc cộng trừ sổ sách cho cậu Cả lúc cuối mùa lúa.  Bản chất nhu nhược đã quen thì làm sao mà nó dám chống lại với gia đình được.  Ngược lại nếu mà nó có đối nghịch với cậu Cả để trốn đi với cô Út Hiền thì làm sao mà nó có tiền để sinh sống đây.  Nhưng nó quên đi một điều là với tánh tình siêng năng của cô Út Hiền, cuộc sống của nó cũng có thể tạm ổn. 
     Sáng sớm ngày thứ Bảy, Bình với tôi quần áo chỉnh tề để đi theo đằng trai đi rước dâu.  Thằng Chiến và cậu Năm cũng đi theo dự.  Trong lúc chờ đợi thì thằng Chiến khều tôi ra phía trước sân nhà, nó nói :
“Tội bà Út Hiền quá hia Hà ơi, chiều ngày hôm qua bả bỏ nhà đi mất tiều rồi.”
“Chiến có biết cô ta đi đâu không?” tôi hỏi.
     Thằng Chiến lắc đầu, nó nói là không ai biết cô ta đi đâu.  Cô ta chỉ đem theo vài bộ quần áo rồi âm thầm ra đi không một lời từ biệt với bất kỳ ai, kể cả già đình của nàng.  Ây da, sao mà tình trường lại đau khổ đến như vậy, tôi tự hỏi.  Tại sao ông trời sinh ra cho con người có trái tim và tình cảm để làm chi rồi lại làm cho họ đau khổ khi trái tim tan nát?  Âu cũng là số mạng, số mạng của những người phải chịu sự đau khổ.
     Khuôn mặt của thằng Bảy Lùn ngày hôm đó thì thật là buồn so, chắc là nó đang nghĩ tới cô Út Hiền.  Mái tóc dài chĩa lởm chởm ra phía hai bên lỗ tai cùng lớp da mặt hơi ngăm ngăm đen trông nó có vẻ già dặn hơn mặc dầu nó chỉ vừa hăm mươi, hăm mốt tuổi mà thôi.  Nó mặc chiếc áo sơ mi trắng với cái quần tây đen, trông cũng lịch sự lắm nhưng không che nỗi cái dáng hơi nhà quê, cục mịch của mình.  Hơn nữa vì nó lùn chỉ khoảng một mét năm, hoặc là thấp hơn, mà thân hình lại mập một chút cho nên khi đứng kề bên Bình và tôi trong bộ quần áo kẻng của dân Sài Gòn, thằng Bảy Lùn bị chìm hẳn đi.  
     Chiếc xe hành khách nhỏ cà rịch cà tang chở mười mấy người bên đằng trai chúng tôi vào gần đến thị xã Bạc Liêu vào lúc mười giờ sáng.  Xe ngừng lại đậu trước đầu một con lộ đất nhỏ gồ ghề, thường chỉ để cho xe đạp và trâu bò đi thôi.  Sau khi xuống xe, đoàn rước dâu chúng tôi sắp thành hàng dọc do cậu Cả và cậu Năm dẫn đường đi vào nhà cô dâu.  Tụi tôi khệ nệ khiêng mỗi người một mâm quà cưới trên tay.  Chạy dọc theo hai bên con lộ là lũy tre xanh đẹp mắt, nhưng chính giữa con đường đi lại có nhiều đoạn bị ô uế bởi những bãi cứt trâu rải đầy.  Cẩn thận ghê lắm chúng tôi mới không bị đạp lên.  Lũ trẻ con trong xóm bắt đầu chạy ra nhìn rồi chạy vòng đi theo phía sau chúng tôi.  Vài chàng thanh niên chạc tuổi tôi với dáng điệu thư sinh đang đứng phì phà thuốc lá và tán dốc rồi nhìn chúng tôi đi ngang.  Sau đó họ chụm đầu vào rồi rù rì vài câu gì đó, chắc có lẽ họ đang bàn tán về chú rể và bên phía đàng trai chúng tôi.
     Khu nhà trong con lộ này xây cất hoàn toàn khác biệt lẫn nhau vì kề bên những căn nhà ngói lại có những căn nhà cất bằng cây với mái tôn cũ xì, thô thiển, hoặc những căn nhà lá nhỏ xíu tưởng chừng như muốn sập xuống bất cứ lúc nào.  Có nhiều căn nhà chỉ máng vài sợi kẽm gai phía trước để làm hàng rào, nhưng cũng có căn nhà trồng những loại hoa kiểng thật đẹp mắt.  Tiến gần vào trong, tôi thấy một căn nhà ngói với hàng rào vừa cao ngang tới bụng rực rỡ đầy hoa dâm bụt màu đỏ.  Trước cổng có tấm bảng đỏ ghi chữ “VU QUI” bên trong hình của hai quả tim vàng.  À thì ra đây là nhà của cô dâu, tôi thầm nghĩ. 
     Lúc đó các cô thiếu nữ bên nhà gái mặc những chiếc áo dài trắng, bắt đầu đi ra trước cửa giăng thành một dàn chào để chào đón đằng trai chúng tôi.  Thật là buồn cười cho cái đám cưới theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.  Và vì mấy cô ra làm dàn chào mà chưa hề biết mặt mũi chú rể là ai cho nên họ đều nhìn chằm chặp vào tôi rồi tới Bình.  Họ cứ tưởng một trong hai người chúng tôi sẽ là chú rể, chính vì thế đã làm cho tôi cảm thấy hơi ngượng nghịu.  Tội nghiệp thằng Bảy Lùn đứng phía trước tôi, chẳng ai thèm ngó ngang gì tới nó.  Chắc có lẽ tại vì nó lùn quá mà lại trông không có vẻ gì cho người ta nghĩ nó là chú rể cả.  Nhưng rôi cuối cùng sau khi trao những mâm quà cho họ xong và đến lúc chú rể tới chào ba mẹ vợ và cô dâu thì mấy cô gái này bắt đầu té ngữa.  Nhìn khuôn mặt của họ dường như có vẻ gì bất bình ghê lắm, phải chăng là họ đã chê thằng Bảy Lùn không xứng đôi?    
     Khi nàng dâu bước ra từ phía trong, tôi nhìn thấy cô ta thật là xinh đẹp, với dáng đi yểu điệu, lộng lẩy trong chiếc áo dài thướt tha màu hồng nhung.  Mái tóc dài uốn gợn song, xõa gọn xuống hai bên bờ vai làm cho cô tăng thêm phần quyến rũ.  Cô ta cao hơn thằng Bảy Lùn gần hơn cả tất, nhưng chắc có lẽ là tại đôi guốc cao gót của cô mà thôi.  Khuôn mặt của cô trông buồn ghê lắm và đôi mắt cũng đỏ hoen.  Tôi đoán cũng có thể là cô ta bị bắt ép duyên để đi lấy một người chồng mà cô ta chẳng hề biết tới hoặc là yêu đương gì cả.  Tôi cảm thấy buồn cho cô ta và buồn cho số phận của cô Út Hiền ghê lắm.  Tôi biết nói làm sao đây trong cái xã hội khi luật vua thua lệ làng.  Tôi chỉ tắc lưỡi rồi bỏ ra ngoài sân đứng kề hàng hoa dâm bụt để ngắm trời, ngắm đất trong khi hai họ đang làm lễ cưới. 
     Nắng bắt đầu nóng lên hừng hực vì mặt trời rọi từ phía trên đỉnh đầu xuống làm cho tôi cảm thấy choáng váng.  Thời gian lúc bấy giờ đi thật là chậm, thật cô động làm sao đó.  Cũng may cho tôi là đang đứng phía dưới cây dừa xiêm, có nhiều cành che phủ phía trên nên cũng dịu bớt.  Vả lại lâu lâu cũng có vài cơn gió nhè nhẹ từ ngoài đồng thổi đến mang theo mùi hương thơm dìu dịu của loài hoa lài bên nhà hàng xóm làm cho tôi thấy dể chịu phần nào.  Bên trong nhà, một thiếu nữ xinh xắn trong nhóm dàn chào ban sáng bước ra đến đứng gần.  Cô ta chỉ gật đầu chào nhưng không nói gì hết.  
     Trên con lộ đất, mấy thanh niên mà tôi tôi gặp lúc nãy cũng vừa đi vào rồi cả đám ngừng lại cách cổng nhà chừng vài thước.  Họ nhìn chúng tôi đăm đăm nhưng chẳng ai lên tiếng.  Chắc có lẽ là mấy anh chàng đã ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng tôi đang đứng ở đây thay vì vào dự lễ cưới ở bên trong nhà. 
     Họ đang âm mưu gì đây, tôi tự hỏi.  Một khoảng khắc sau đó, tôi nhìn thấy một anh chàng khá đẹp trai trong đám thư sinh nho nhã này tiến về phía trước, trên tay có một đóa hoa Lài trắng.
     Cô bé đứng cạnh nghiêng đầu rồi rù rì ngang lỗ tai của tôi:
“Đó là anh Vũ, người yêu của Lài.”
“Lài là ai vậy?”  Tôi hỏi nhỏ.
“Dạ, Lài là tên của cô dâu.” Cô ta trả lời.
“Ô, thì ra là thế.  Nếu như vậy thì anh thấy hai người cũng xứng đôi lắm mà, thế thì ……”
“Tại vì nhà anh ta nghèo,” cô ta ngắt lời tôi rồi nói tiếp, “Ba của Lài dứt khoát là không chịu gả.”
     Khi đến trước cổng nhà, Vũ cuối người xuống rồi cắm đóa hoa Lài trắng trên một bãi cứt trâu khô phía trước nhà của cô dâu rồi cả đám lặng lẽ bỏ đi. 

Jimmy V. Điêu